Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Tháng 5 ở Thủ đô Gió ngàn

2021-05-26 08:28:00.0

Khác với chuyến đi về nguồn chục năm về trước và chắc chắn còn khác nhiều với chuyến đi của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Sáng tháng Năm”, đường về  ATK Định Hóa giờ đây phẳng lỳ như dải lụa. Vẫn “Suối dài xanh mướt nương ngô”, nhưng bên cạnh là những ngôi nhà kiên cố của trường học, bệnh xá, nhà dân... Cánh đồng lúa bao thai đặc sản Định Hóa chín vàng tỏa hương thơm dìu dịu pha lẫn cái ngọt ngào, xanh ngắt của các nương chè ...

Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Đồng Khắc Thọ)

Điểm đầu tiên chúng tôi đến trong Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa này là Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh đèo De thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Đèo là điểm giáp ranh giữa hai xã Phú Đình (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) và xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), cách Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào chừng 4km theo đường chim bay. Tại đây, đúng dịp Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19-5-1890/19-5-2005), Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Nhà tưởng niệm Bác Hồ mà giờ đây, Nhân dân các dân tộc huyện Định Hóa quen gọi là Đền thờ Bác Hồ. Đây là Đền thờ Bác Hồ lớn nhất ở nước ta, được xây dựng tại vị trí "tả thanh long, hữu bạch hổ" của Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, trung tâm Thủ đô Gió ngàn. Đây cũng là Đền thờ Bác Hồ duy nhất của Việt Nam do hai Thủ đô là Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến và Thủ đô kháng chiến Thái Nguyên hợp tác xây dựng nên công trình mang tầm vóc quốc gia, thể hiện ý nguyện của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Toàn bộ các hạng mục của Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Đèo De có tổng diện tích 16.000m2 gồm: Tứ trụ, Tam quan, Nhà dâng hương tưởng niệm và trưng bày các hình ảnh, tư liệu về danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.

Từ cổng Tứ trụ bước lên 115 bậc (để ghi nhớ công trình xây dựng đúng vào dịp Kỷ niệm 115 Ngày sinh của Bác) là tới nhà Tam quan. Leo tiếp 79 bậc (ghi nhớ 79 mùa xuân của Bác) là đến Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Nhà tưởng niệm có diện tích sàn 625m2 gồm hai tầng, kiến trúc theo lối đền chùa truyền thống của Việt Nam, mái lợp ngói đỏ, hệ thống khuôn viên đường bao quanh như một đóa sen nở, những cánh sen là 79 cây vạn tuế. Viền quanh những cánh sen là rặng dâm bụt trổ đầy hoa lấy giống từ bờ hoa dâm bụt cổ thụ Bác Hồ trồng trên đồi Tỉn Keo vào năm 1948. Hai bên tả, hữu khuôn Tam quan, bao quanh Nhà tưởng niệm Bác Hồ là rừng cây xanh do các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, công an, các ngành, địa phương trồng. 

Tại vị trí trang trọng nhất của Nhà tưởng niệm Bác Hồ là bức tượng bán thân chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng cao 99 cm do các nghệ nhân làng Ngũ Xã (Hà Nội) chế tác. Nơi cao nhất treo bức hoành phi "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", đối diện là bức đại tự "Hồ Chí Minh mặt trời sáng mãi".

Từ Nhà tưởng niệm Bác Hồ nhìn xuống, xóm Tỉn Keo (xã Phú Đình) đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Tỉn Keo tiếng Tày có nghĩa là "Chân đèo". Tỉn Keo ở ngay dưới chân Đèo De là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lâu nhất trong thời kỳ Người ở ATK Định Hóa. Đây cũng là nơi phát tích chiến dịch Điện Biên chấn động địa cầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tại Chiến khu Việt Bắc, tháng 12-1953. Nguồn ảnh: internet

Trên Đèo De, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi ai nấy đều ngỡ ngàng trước cảnh đẹp kỳ vĩ của thác 7 tầng Khuôn Tát. Thác hiện lên trong nắng rực rỡ như bậc thang nhà sàn đồng bào Tày, Nùng vùng Việt Bắc. Nhìn nghiêng, dòng nước trắng trông tựa như dải lụa tuyệt đẹp vắt vai nàng sơn nữ...

Khuôn Tát  tiếng Tày có nghĩa là thung lũng có thác nước chảy. Cách không xa thác Khuôn Tát kỳ vĩ là “Phủ Chủ tịch trong rừng kháng chiến” ở đồi Nà Đình thuộc bản Khuôn Tát, xã Phú Đình. Đồi Nà Đình rộng khoảng 2ha còn lưu giữ được nhiều cây phách cổ thụ, dưới tán rừng phách, còn hầm của Bác, căn lán Bác ở làm việc được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam phục dựng, đường nội thị di tích được lát bằng đá suối, quả đồi được khoanh vùng, rào bảo vệ… Xóm đồng bào Dao Khuôn Tát còn giữ được cây đa 100 tuổi mang tên “cây đa Bác Hồ”, dấu tích sân bóng chuyền, bên cây đa nơi Bác Hồ cùng các đồng chí giúp việc, bảo vệ  chơi bóng, tập võ, cây đa được xây đường bao để bảo vệ, gắn biển giới thiệu. Từ cây đa Bác Hồ phải lội qua đoạn suối Khuôn Tát, theo đường đi bộ khoảng 150m mới tới di tích “Phủ Chủ tịch”  trên đồi Nà Đình. Đó là một ngôi nhà làm theo kiểu nhà sàn, lợp lá cọ, cột gỗ, vách bằng nứa, có sàn, cửa sổ thông thoáng. Tại đây, vào ngày 20/1/1948 Người đã ký các Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia và dân quân tự vệ; Sắc lệnh số 111/SL phong quân hàm Thiếu tướng cho các đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng quân đội quốc gia Việt Nam, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn… Ngày 25/1/1948, Người ký Sắc lệnh số 115/SL phong quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình - Khu trưởng Chiến khu VII, kiêm Ủy viên Quân sự Nam Bộ.  

Từ Khuôn Tát  chúng tôi đến  đồi Khau Tý  thuộc xã Điềm Mặc. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hóa. Khau Tý, theo tiếng Tày có nghĩa là “ Cây Thị”, đó là quả đồi thấp, rợp bóng cây, tựa lưng vào núi Hồng. Tại Khau Tý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Ban vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc, nhất trí lấy ngày 27-7 hằng năm để toàn dân tỏ lòng hiếu nghĩa với thương binh, gia đình liệt sĩ. (Lễ mít tinh công bố chính thức tại Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên vào ngày 27/7/1947).

Cũng tại Khau Tý, Bác Hồ đã tức cảnh làm bài thơ “Cảnh khuya”: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ, Người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên quần thể di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên trong tháng 5 lịch sử này có ít khách tham quan, vì thế chúng tôi có đủ thời gian và không gian để suy ngẫm về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác lấp lánh trong từng chi tiết, từng hiện vật. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định giá trị của Người trong thời kỳ này thật sự vĩ đại: “Ở đâu u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi/ Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”./.

 
Đại tá Đỗ Phú Thọ (Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4931388