Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Lòng yêu trẻ của cô giáo người dân tộc

2024-04-14 16:49:00.0

Ước mơ ấp ủ từ nhỏ, cô giáo trẻ Cam Thị Thuỷ, sinh năm 1991, dân tộc Nùng, ở xã Tân Hòa  đã phấn đấu được trở thành một cô giáo mầm non. Hiện nay, cô giáo đang công tác tại trường Mầm non xã Tân Hoà (Phú Bình). Với cô Thuỷ, mỗi ngày, được nhìn thấy trẻ đến lớp đông đủ mỗi ngày chính là niềm vui, động lực to lớn để cô tiếp tục nghề gieo chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các em nhỏ xóa đi sự nhút nhát và tính rụt rè.

Sinh ra trong gia đình làm nông ở xóm Giếng Mật, xã Tân Hoà, là xóm có tới trên 90% là người dân tộc thiểu số, kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu trước hụt sau, có được miếng cơm no bụng qua ngày đã khó huống gì nghĩ đến chuyện được học hành. bố mẹ cô Thuỷ phải làm việc vất vả nuôi các con khôn lớn. Năm 2009, biết tin mình đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, chuyên ngành giáo dục Mầm non, cô giáo trẻ Cam Thị Thuỷ vừa vui, vừa thấp thỏm lo lắng. Bởi gia cảnh khó khăn, liệu có thể đi đến đích của ước mơ? May mắn vì thương con, bố mẹ cô đã quyết tâm, cố gắng làm lụng mưu sinh kiếm tiền, bằng mọi cách tạo điều kiện cho con gái đi học.

Với đặc thù là một xã miền núi của huyện Phú Bình, người dân nơi đây phần lớn là người dân tộc, chủ yếu là làm nông, trình độ dân trí thấp, địa hình quanh co, giao thông đi lại không thuận tiện. Còn nhớ, năm cô Thuỷ mới đi làm, mỗi khi đến mùa mưa, đường đất trơn trượt, nhiều phụ huynh phải cho trẻ lên xe rùa đẩy tới lớp. Có những hôm, bố mẹ các trẻ đi làm xa không về kịp để đón con, cô Thuỷ phải chở từng em về nhà. Lại là một trong số 17 cô giáo người đồng bào dân tộc thiểu số có thâm niên giảng dạy chưa lâu tại trường mầm non Tân Hoà, nhưng với lòng yêu nghề mến trẻ nên cô giáo đã luôn nỗ lực gắn bó với nghề giáo cao quý mà mình đã lựa chọn và theo đuổi, thế là vượt qua mọi rào cản, cô bé người Nùng ngày nào giờ đây đã trở thành cô giáo của trường Mầm non Tân Hoà với 2 tấm bằng Đại học và cao đẳng sự phạm Thái Nguyên. Suốt 11 năm qua, với lòng yêu trẻ, sự nhiệt huyết trong công việc nên cô giáo Thuỷ luôn là cái tên trìu mến được tập thể sư phạm trường mầm non Mầm non Tân Hoà và các em nhỏ cũng như phụ huynh nơi đây nhắc đến. Anh Đinh Tuấn Anh, phụ huynh của trẻ đang theo học ở lớp Nhà trẻ 24 – 36 tháng tuổi, trường Mầm non Tân Hoà bày tỏ : “Ở đây điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ mải đi làm kinh tế nên chưa quan tâm chu đáo tới các con. May mắn là các cô giáo trường mầm non Tân Hoà, mà trong đó có cô giáo Cam Thị Thuỷ luôn nhiệt tình dạy dỗ chăm sóc trẻ. Cô luôn tươi vui, dạy học rất lôi cuốn nên trẻ ham thích đi học. Con tôi ngày càng ngoan ngoãn, lễ phép, học hỏi được nhiều điều hay nên gia đình rất yên tâm và vô cùng biết ơn cô giáo”.

Cô Cam Thị Thủy thường xuyên kể chuyện sự tích, chuyển cổ tích cho trẻ khi tham gia các hoạt động người trời

Cứ nhìn dáng vẻ bề ngoài luôn vui tươi, nhẹ nhàng, nhanh nhẹn trong từng tiết dạy, ít ai biết được rằng trong tâm khảm của cô Thuỷ luôn đau đáu là làm thế nào để con em đồng bào dân tộc cùng hòa nhịp vào cách sinh hoạt cùng người kinh một cách nhanh nhất và làm thế nào để các em đến trường đúng độ tuổi phải được cha mẹ các em chú trọng. Chính những điều này mà cô giáo Thuỷ và ban giám hiệu của nhà trường luôn là người tiên phong đến tận nơi, gõ cửa tận nhà để vận động phụ huynh cho con em đến trường, đến lớp đều đặn. Cô Thuỷ luôn đặt mình vào vai trò là người mẹ, người chị để gần gũi chia sẻ, nắm bắt tâm lý của các em nhỏ để từ đó tìm ra phương pháp giáo dục cho các em tốt nhất, giúp các em người đồng bào dân tộc thiểu số dần xóa đi sự e dè, nhút nhát vốn có. Cô giáo Thuỷ cứ như một con ong chăm chỉ, cần mẫn, lặng lẽ với công việc mà cô đam mê, yêu thích đó là được chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.  

Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, năm học 2023-2024, cô được phân công giảng dạy tại lớp Nhà trẻ 24 – 36 tháng tuổi A4, cô Cam Thị Thủy luôn có trách nhiệm cao trong công việc, cô luôn linh hoạt, sáng tạo trong việc áp dụng các hình thức, phương pháp giảng dạy, chú trọng chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025; Chủ đề năm học 2023-2024 cấp học mầm non là “Xây dựng trường Mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”. Các tiết dạy của cô đều được cô nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo đồ dùng và mang dấu ấn riêng để trẻ được trải nghiệm, gần gũi với những điều gần gũi xung quanh trẻ. Cô luôn phối hợp cùng tổ chuyên môn và nhà trường tổ chức các hoạt động  cho trẻ được trải nghiệm tạo cơ hội cho trẻ vui chơi và học tập trong năm học.

Cô Thủy luôn chủ động, sáng tạo đồ dùng, đồ chơi cho trẻ

 Ngoài ra, với vai trò là Tổ phó chuyên môn nhà trẻ, cô Thủy  hiểu được nỗi khó khăn của nhà trường như: Thiếu giáo viên, nhiều giáo viên còn hạn chế công nghệ thông tin… cô đã nỗ lực, dành nhiều thời gian nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên trong tổ, trang trí nhóm lớp xanh - sạch - an toàn, ứng dụng linh hoạt các phương pháp dạy trẻ, sử dụng có hiệu quả các bộ công cụ ASQ... Cô tham mưu với ban giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn có những đề xuất, giải pháp trong công tác chuyên môn.

Không ỷ lại vào sự quan tâm của mọi người, bản thân cô giáo Cam Thị Thuỷ tự vươn lên bằng cách tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động phong trào do trường và cấp trên tổ chức, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu giáo viên giỏi các cấp, là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Cô Thuỷ luôn là tấm gương để các cô giáo trẻ trong trường học hỏi và noi theo.

Trao đổi với bà Dương Thị Thuỵ Hương - Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Hoà nhận xét: Cô giáo Cam Thị Thuỷ là một đảng viên trẻ năng nổ, một giáo viên có trình độ chuyên môn cao, rất nổi trội trong công tác. Trường Mầm non Tân Hoà là một trường thuộc xã miền núi, có tổng số 559 trẻ theo học ở 20 nhóm lớp, trong đó, trên 40% trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số nhưng với lòng yêu nghề mến trẻ, cô Thuỷ luôn sáng tạo trong quá trình tổ chức các hoạt động, mạnh dạn tìm ra những phương pháp mới để dạy học một cách linh hoạt mang lại hiệu quả tối ưu. Cô luôn nghiên cứu, tìm tòi phương pháp dạy học mới, có những ý tưởng hay, tự tạo nhiều đồ dùng đồ chơi đẹp từ những nguồn vật liệu tái chế, vật liệu thiên nhiên… để trẻ học mà chơi, chơi mà học. Ngoài ra cô còn mạnh dạn đề xuất với ban giám hiệu, tham mưu tổ chuyên môn, phối hợp tốt với công đoàn thực hiện các giải pháp hữu ích để phát triển nhà trường, nâng cao vị thế giáo viên mầm non, giúp nhà trường hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Có thể nói rằng, không đòi hỏi sự đền đáp, chỉ cần trẻ của mình chăm ngoan, phát triển toàn diện đó chính là món quà mà những người thầy, người cô cảm thấy ấm lòng bởi nghề giáo vẫn luôn là nghề được xã hội tôn trọng mà trong đó chính những tấm gương nghị lực vượt khó của thầy cô làm động lực cho bao lớp thế hệ học sinh, xã hội trân quý và cô giáo Cam Thị Thuỷ cũng là một trong những cô giáo như thế.                                                                                                    

Nguyễn Đào
Trung Tâm VH-TT&TT huyện Phú Bình

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4931354