Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Chủ động nước tưới tiêu để hình thành vùng sản xuất tập trung

2024-03-15 16:21:00.0

Thanh Ninh là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Bình, hiện nay địa phương đã và đang duy trì vùng sản xuất tập trung chất lượng cao và vùng trồng mầu chuyên canh để hình thành vùng hàng hoá. Để thực hiện được nội dung này, thì việc chủ động được nguồn nước tưới tiêu có vai trò quan trọng. Điều này dần được hiện thực hoá khi năm 2023, đập Nam Hương được đầu tư, xây mới, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Ninh cho biết: Đập Nam Hương được xây dựng từ những năm 1960. Công trình này cung cấp nước tưới cho trên 100ha lúa, cây mầu của nhân dân các xóm: Nam Hương 1, Nam Hương 2, Nam Hương 3 (xã Thanh Ninh), xóm Đồng Phú (xã Lương Phú). Đến khoảng những năm 2019-2021 công trình đã bị xuống cấp, mặc dù địa phương đã có sửa chữa nhỏ, nhưng không đảm bảo dẫn nước cho sản xuất. Đặc biệt là hệ thống vận hành cũ, không đảm bảo, dễ gây nguy hiểm trong quá trình vận hành.  Điều này dấn làm thời vụ gieo cấy bị kéo dài, nguồn nước cung cấp cho sản xuất có những thời điểm  không kịp thời.

Ông Lý Văn Tuyên, Trưởng Trạm Khai thác các công trình thuỷ lợi huyện Phú Bình cho biết: Năm 2021, khi đơn vị được nhận bàn giao công trình đập Nam Hương, thì công trình đã bị xuống cấp, cụ thể: thân đập bị sói lở, rạn nứt, hệ thống thoát lũ không đảm bảo, gây ngập úng cho khoảng 10ha đất trồng lúa và mầu của xã Lương Phú. Chính vì thế, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân xã Lương Phú đã nhiều lần có ý kiến về nội dung này và mong các cơ quan chuyên ôn, chính quyền địa phương sớm giải quyết.

Đập Nam Hương được đầu tư đáp ứng mong mỏi của nhân dân và chính quyền địa phương

 Ngay khi tiếp nhận công trình Trạm khai thác các công trình thuỷ lợi huyện Phú Bình đã xây dựng kế hoạch, báo cáo với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa. Đến tháng 6-2023, công trình đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng với các hạng mục chính: đập được thiết kế có 8 khoang tràn; mặt cầu kết hợp với đường giao thông có chiều rộng 2,2m; 2 bộ máy đóng mở V10, dài 37,6m. Tổng mức đầu tư cho công trình là trên 2,5 tỷ đồng. Để thuận tiện cho việc quản lý, điều tiết nước sản xuất, Trạm đã cử 2 cán bộ phụ trách, thường xuyên kiểm tra, vận hành, đặc biệt là thời điểm gieo cấy lúa và tưới dưỡng cho cây trồng.

Mặt đập kết hợp với đường giao thông rộng 2,2m

Ngay ở vụ đầu tiên sau khi được sửa chữa công trình đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân địa phương trong sản xuất nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Sỹ xóm Nam Hương 3 xã Thanh Ninh cho biết: Năm nay, một số địa phương của huyện Phú Bình bị tình trạng lúa chết rét cho thời tiết rét đậm khi mới cấy và khô hạn khi lúa đẻ nhánh. Vậy nhưng, toàn bộ diện tích lúa của bà con nhân dân trong xóm đều phát triển tốt, vì nguồn nước từ khi gieo cấy đến khi dưỡng đều đảm bảo. Từ khi đập Nam Hương được sửa chữa, nâng cấp, nguồn nước khi đổ ải và tưới dưỡng cho cây lúa đều đảm bảo kịp thời vụ, tạo thuận lợi cho nhân dân sản xuất.

Còn ông Vũ Đình Trung, Trưởng xóm Nam Hương 3 cho hay: Là xóm ở cuối nguồn được hưởng lợi của đập Nam Hương 3, trước đây chúng tôi rất vất vả khi lấy nước cho sản xuất, vì nguồn nước về không đảm bảo, vì thế việc gieo cấy thường bị kéo dài, nước tưới dưỡng cũng không đảm bảo vì đập xuống cấp. Từ khi đập Nam Hương đầu tư, nâng cấp đến nay là vụ gieo cấy lúa thứ 2, chúng tôi thấy nguồn nước được đảm bảo. Năng suất cây trồng vì thế cũng được tăng theo, tiêu biểu như vụ mùa năm 2023, năng suất lúa trung bình của chúng tôi đạt 2,2 tạ/ sào, trong khi trước đây chỉ đạt 1,8 tạ/ sào.

Nguồn nước đảm bảo sẽ giúpThanh Ninh  mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao

Cũng theo ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh: Khi đập Nam Hương được đầu tư, đã cung cấp nguồn nước đảm bảo cho 142ha lúa, cây mầu/ năm( trong đó có gần 60ha chân lúa 2 vụ). UBND xã Thanh Ninh xác định đây sẽ là khu vực chuyên để sản xuất lúa chất lượng cao theo vùng tập trung. Trước đó, năm 2023, địa phương đã xây dựng sản phẩm gạo OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, với sản phẩm gạo Dự Hương 8. Với thuận lợi về nguồn nước như hiện nay, địa phương sẽ mở rộng diện tích vùng sản xuất gạo chất lượng cao lên 20ha.

Nguyễn Chi
Trung Tâm VH - TT & TT

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4931328