Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Những sự kiện và hoạt động nổi bật tuần qua

2021-06-06 20:52:00.0

>>>Tuần qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch của các đơn vị, doanh nghiệp

- Sáng 01/6, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Xem chi tiết tại đây

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN, hiện nay có khoảng trên 86 nghìn lao động đang làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Thái Nguyên có 03 ca bệnh tại huyện Phú Bình, TX.Phổ Yên liền kề với KCN tập trung của tỉnh nên nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Ban Quản lý các KCN xác định phòng dịch là yếu tố cơ bản có tính chất quyết định để phát triển sản xuất. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh 5.999 ở xóm Đầm Đanh, xã Thành Công (TX.Phổ Yên) từng làm tại 3 doanh nghiệp tại KCN Điềm Thụy, Ban Quản lý các KCN đã khẩn trương chỉ đạo 3 doanh nghiệp phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp khoanh vùng, truy vết thần tốc, dập dịch. Đến nay, tình hình dịch COVID-19 trong KCN cơ bản được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, Ban Quản lý các KCN đã chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng KCN, doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, xây dựng phương án, tổ chức diễn tập phương án phòng chống dịch; ký cam kết chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch... Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Ban Quản lý các KCN đề xuất với tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại các KCN; thống nhất ký ban hành quy chế phối hợp phòng chống dịch; thành lập các chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch tại KCN Điềm Thụy và Yên Bình; bổ sung kinh phí mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch... 

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Quản lý các KCN quản lý chặt chẽ hơn nữa người ra vào doanh nghiệp trong KCN; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp để xảy ra vi phạm các quy định về phòng chống dịch, lây nhiễm trong KCN; chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống dịch. Cũng trong buổi sáng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đến thăm, động viên, tặng quà lực lượng liên ngành làm việc tại chốt phòng chống dịch COVID-19 nút giao Sông Công (TP. Sông Công).

- Sáng ngày 5/6, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức chương trình tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Xem chi tiết tại đây

Tại chương trình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận nguồn lực ủng hộ từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị: Công ty cổ phần Bất động sản và Khoáng sản Đại Việt 1 tỷ đồng; bạn đọc Báo Công an nhân dân 100 triệu đồng; Hội Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam 10 triệu đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Telin 500 triệu đồng; cơ quan Tỉnh đoàn Thái Nguyên 5 triệu đồng và bạn đọc Báo Xây dựng gồm: Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Thành Phát Hà Nội (12 nghìn khẩu trang y tế, 70 bộ quần áo bảo hộ, 75 lít dung dịch sát khuẩn), Công ty cổ phần An Phát Hà Nội (250 mặt nạ, 13 nghìn khẩu trang y tế, 80 lít dung dịch sát khuẩn), Hội đồng hương Hải Phòng tại Hà Nội (500 kính chắn giọt bắn).

- Sáng ngày 03/6, thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Công ty Cổ phần BCD Group đã trao tặng 1.200 bộ Kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Thái Nguyên.

Xem chi tiết tại đây

Thực hiện đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và Thư kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân chung tay phòng, chống dịch COVID-19 do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát động, Công ty CP BCD Group đã trao tặng 1200 bộ Kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 (trị giá 200 triệu đồng) nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực xét nghiệm, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh. Đây là việc làm ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm của Công ty với xã hội trong việc chung tay đẩy lùi đại dịch.

- Chiều ngày 02/6, Sở Y tế Thái Nguyên đã tiếp nhận 1.000 test xét nghiệm SARS-CoV-2 (trị giá 400 triệu đồng) do Đại học Thái Nguyên trao tặng cho tỉnh Thái Nguyên để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Xem chi tiết tại đây

Đây là sản phẩm của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) thực hiện từ đề tài: “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime”. Các bộ sinh phẩm của đề tài nghiên cứu đã được sử dụng trong sàng lọc phát hiện virus SARS-CoV2 tại các bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên.

Việc ĐHTN đã tổ chức trao tặng 1.000 test xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tỉnh Thái Nguyên phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 thể hiện trách nhiệm của đơn vị với địa phương và xã hội trong việc chung tay đẩy lùi đại dịch. Đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam.

- Ngày 03/6/2021, UBND huyện Phú Bình đã ban hành Quyết định số 3454/QĐ-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với một số xóm thuộc các xã giáp ranh tỉnh Bắc Giang để thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Phú Bình.

Xem chi tiết tại đây

Theo đó, kể từ 12 giờ 00 phút ngày 03 tháng 6 năm 2021, huyện Phú Bình thực hiện giãn cách xã hội đối với các xã: Dương Thành (gồm các xóm: Đảng, Núi 2, Xuốm, Phú Thành, An Thành, Trung Thành, An Ninh, Tiến Bộ, Phẩm 1, Phẩm 2, Phẩm 3, Phẩm 4, xóm Giàng); xã Tân Đức (gồm các xóm: Quẫn, Ngò Thái, Lũa, Ngọc Sơn, Tân Lập, Tân Ngọc, Trại Vàng, Phúc Thịnh, Lềnh và xóm Quại); xã Thanh Ninh (gồm các xóm: Phú Thanh 1, Phú Thanh 2, Đồi Thông, Phú Yên, Đồng Trong); xã Kha Sơn (gồm các xóm: Đầu Cầu, Ngô Trù, Ca, Phố Ca, Trại Điện, Kha Nhi, Mai Sơn); xã Hà Châu (gồm các xóm: Trầm Hương, Đông, Mới, Chùa, Sỏi, Vôi, Đồn, Chảy, Ngói); xóm Vàng, xã Tân Hòa và xóm Hòa Lâm, xã Tân Thành trên địa bàn huyện Phú Bình theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian thực hiện giãn cách xã hội cho đến khi có thông báo mới.

>>>Lãnh đạo tỉnh làm việc với Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế

Chiều ngày 02/6, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc với Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên.

Xem chi tiết tại đây

Tại hội nghị, lãnh đạo Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (gọi tắt là AIC) đã đề xuất mô hình chuyển đổi số đối với tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2022, tỉnh cần tập trung đầu tư các dự án nền tảng (hạ tầng công nghệ thông tin và trục tích hợp; trung tâm dữ liệu; hệ thống camera; hệ thống an ninh mạng; phòng điều hành tích hợp); xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng; triển khai thí điểm, xây dựng hệ thống kết nối; xây dựng tiện ích.

Đồng thời AIC đề nghị: Tỉnh Thái Nguyên cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn để có thể thực hiện thành công chương trình này; ưu tiên hoàn thiện chủ trương đầu tư và trình Dự án để được phê duyệt, triển khai theo quy định Nhà nước; bố trí nguồn ngân sách hợp lý để triển khai toàn bộ chương trình; thường xuyên tổ chức giao ban, rút kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp để chương trình đạt hiệu quả cao; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần sớm đưa vào sử dụng hệ thống họp thông minh được triển khai trong chương trình vận hành thí điểm…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của AIC. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, chuyển đổi số chính là cơ hội để tỉnh thực hiện được những mục tiêu phát triển kinh tế và quản lý xã hội, xây dựng hoàn thiện chính quyền số, xã hội số và kinh tế số; việc chuyển đổi số là tất yếu và sẽ phát huy hiệu quả, tiện ích trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trong thời gian tới, AIC cần lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin của tỉnh đã có, với những tiện ích của chuyển đổi số nhằm phục vụ lợi ích cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp.

>>>Kiểm tra các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh: Phải thượng tôn pháp luật và đặt lợi ích của Nhà nước và người dân lên trên

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp cho ý kiến vào kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Đoàn kiểm tra, đôn đốc việc quyết toán các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sáng ngày 02/6/2021.

Xem chi tiết tại đây

Thực hiện Quyết định số 1548/QĐ-UBND ngày 18/5/2021 của UBND tỉnh về việc thành lập Đoàn kiểm tra, đôn đốc việc quyết toán các dự án khu dân cư, khu đô thị và Quyết định số 1549/QĐ-UBND ngày 18/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các đoàn kiểm tra đã xây dựng dự thảo quy chế tổ chức, hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đề cương báo cáo phục vụ công tác của các đoàn kiểm tra; đề xuất danh sách các dự án kiểm tra. Theo đó, các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, các dự án khu dân cư, khu đô thị dự kiến đi kiểm tra là trên 100 dự án; các dự án khu dân cư, khu đô thị kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác quyết toán là 17 dự án.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đoàn kiểm tra nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kiểm tra bảo đảm đúng quy định, các thành viên đoàn kiểm tra nghiêm túc thực hiện quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ của các đoàn kiểm tra. Khi kiểm tra phải đảm bảo tuân thủ các yếu tố: Pháp lý, kinh tế, chính trị, văn hóa và trên cơ sở 05 nguyên tắc: Không để thất thoát ngân sách nhà nước; không để dự án kéo dài thời gian thực hiện nhiều lần; không tiêu cực trong kiểm tra, rà soát các dự án; không chịu áp lực ngoài quy định của pháp luật; không để người dân trong vùng dự án chịu thiệt thòi. Trong quá trình kiểm tra, rà soát kịp thời phát hiện, đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, các dự án đầu tư sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách; đồng thời, nếu có phát hiện sai phạm chuyển cơ quan thanh tra, tùy mức độ sai phạm xem xét đề xuất chuyển đến cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

>>>Thái Nguyên: Định hướng quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu

Chiều ngày 02/6, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị về thực trạng, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển nghành dược liệu Việt Nam và khả thi trồng, sản xuất dược liệu tại tỉnh Thái Nguyên. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành và các Hội liên quan; lãnh đạo Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp - Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên).

Xem chi tiết tại đây

Theo thống kê của Cục Quản lý Y dược cổ truyền, ở Việt Nam hiện nay, nhu cầu dược liệu của nước ta từ 60.000 - 80.000 tấn/ năm; hàng năm Việt Nam tiêu thụ hơn 50.000 tấn dược liệu. Tuy nhiên, quy mô sản xuất, chế biến, sử dụng của ngành dược liệu Việt Nam còn nhỏ, manh mún, chưa hiệu quả; một số dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt… Qua khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, tỉnh Thái Nguyên có nhiều thuận lợi để phát triển ngành dược liệu như: Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, thuận lợi phát triển cây dược liệu; đa dạng về nguồn tài nguyên dược liệu thực vật, dược liệu động vật; trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình trồng dược liệu (cát sâm, đinh lăng, ba kích, khôi nhung, sạ đen, nghệ, giảo cổ lam, sa nhân, sâm bố chính…); có các chính sách ưu đãi từ Trung ương đến địa phương cho việc phát triển cây dược liệu.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc phát triển ngành dược liệu của tỉnh cần có lộ trình, mô hình thí điểm lựa chọn cây dược liệu phù hợp có hiệu quả kinh tế cao, từ đó làm cơ sở để nhân rộng, tiến tới lựa chọn cây trồng chuyển đổi phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Giao Viện nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thiện báo cáo đánh giá thực trạng vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh, định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các sở, ngành liên quan sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; kết nối với các doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu.

Thanh Mai (tổng hợp, biên tập)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4931281