Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Thế giới tuần qua: Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Seoul; Mỹ-Trung tiếp tục thảo luận thương mại

2021-06-06 08:11:00.0

Hội nghị P4G kêu gọi về một hành tinh xanh hơn

P4G được tổ chức theo hình thức trực tuyến do dịch COVID-19. Ảnh: Yonhap

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) đã khai mạc tại Seoul (Hàn Quốc) vào ngày 30/5, trong đó các quốc gia cam kết đóng vai trò lớn hơn trong xu hướng kinh tế xanh toàn cầu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Moon Jae-in nhấn mạnh: “Hàn Quốc sẽ mang trách nhiệm là cầu nối giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển”.

Kênh DW (Đức) cho biết các lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh này đã cùng thảo luận về hợp tác lĩnh vực công và tư nhân, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển, để có thể góp phần đạt được mục tiêu đã thống nhất trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

P4G được tổ chức theo hình thức trực tuyến do dịch COVID-19, bao gồm phiên thảo luận có sự tham gia của lãnh đạo các nước như Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel... Bên cạnh đó, còn có phiên thảo luận chung với sự tham gia của nhiều quan chức chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp...

Đây là hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ hai. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2018. P4G được tổ chức trước thềm Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) dự kiến khai mạc tại thành phố Glasgow (Scotland) trong tháng 11.

P4G lần này tập trung vào các giải pháp có thể triển khai để đạt được cam kết đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hàn Quốc tự công bố mục tiêu đến năm 2050 trung hòa carbon. Seoul cũng tuyên bố kế hoạch ngừng cấp vốn cho các nhà máy than đá tại nước khác, đồng thời áp thuế carbon. Đây được coi là bước đi quan trọng của Seoul hướng đến mục tiêu toàn cầu về biến đổi khí hậu bởi Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cho các nhà máy năng lượng than đá.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn đề ra kế hoạch đến năm 2025 hình thành quỹ “Thỏa thuận Xanh mới” 5 triệu USD hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển sang năng lượng tái tạo.

Trong video phát biểu ngày khai mạc P4G, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh cần hợp tác toàn cầu để đánh bại dịch COVID-19 và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, xử lý biến đổi khí hậu.

Mỹ-Trung tiến bước trong đàm phán thương mại

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AP

Washington và Bắc Kinh đã có những bước tiến hướng đến khởi động lại đàm phán thương mại, kinh tế khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cùng Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã có điện đàm “thảo luận thẳng thắn”.

Hãng Bloomberg (Mỹ) cho biết cả hai phía đã cùng trao đổi về cách “hỗ trợ phục hồi kinh tế vững mạnh và tầm quan trọng của hợp tác trong các lĩnh vực Mỹ quan tâm đồng thời thẳng thắn xử lý những vấn đề đáng lo ngại". Phía Trung Quốc cũng đánh giá hai quan chức đã “trao đổi quan điểm thành thật về các vấn đề cùng quan ngại”.

Vào cuối tháng 5, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng đã thảo luận với đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Diễn biến này được coi là dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden cố gắng khởi động lại các thảo luận để xử lý khác biệt trong mối quan hệ kinh tế, thương mại.

Cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen là cuộc thảo luận thứ tư giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc kể từ khi ông Joe Biden bước chân vào Nhà Trắng.

Đến nay, chính quyền Tổng thống Biden vẫn giữ lại hầu hết các chính sách kinh tế với Trung Quốc từ thời người tiền nhiệm Donald Trump. Ông Biden vẫn chưa giảm các mức thuế bổ sung với Trung Quốc. Ngoài ra, còn có dấu hiệu cho thấy Washington muốn đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn hai với Bắc Kinh.

Tháng 1/2020, Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một”. Qua đó, Trung Quốc cam kết nhập khẩu thêm đậu nành và nhiều sản phảm xuất khẩu khác của Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đồng ý ngừng gây áp lực khiến các công ty phải chuyển giao công nghệ khi muốn hoạt động ở thị trường tỷ dân này.

Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ quan hệ Trung Quốc và Mỹ xấu đi trong một khoảng thời gian. Ông Kurt Campbell tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận định chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ diễn ra dưới “tham số chiến lược mới” và “mẫu hình chủ đạo sẽ là cạnh tranh”.

Nhưng đầu tư và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục được củng cố ngay cả khi xảy ra căng thẳng ngoại giao, chính trị. Xuất khẩu của Trung Quốc đến Mỹ vẫn tăng. Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa Mỹ./.

Hà Linh/Báo Tin tức
baotintuc.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4931271