Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Masan High-Tech Materials: Bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững

2021-06-09 16:47:00.0

Yêu cầu khắt khe

Tại mỏ Núi Pháo (Đại Từ, Thái Nguyên), công tác quản lý môi trường luôn song hành cùng hoạt động sản xuất, và được thực hiện đồng bộ từ việc tuân thủ các hồ sơ pháp lý đến công tác kiểm soát hiện trường. Công ty tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về các hồ sơ, thủ tục môi trường như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ xin xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, xả nước thải vào nguồn nước… Tất cả các hồ sơ này đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) chấp thuận phê duyệt.

Trạm xử lý nước thải tập trung tại mỏ đa kim Núi Pháo, Đại Từ

Song song với đó, việc kiểm soát ngăn ngừa ô nhiễm tại hiện trường cũng được Ban lãnh đạo Công ty quan tâm chú trọng. Công ty đầu tư nhiều công trình bảo vệ môi trường tiên tiến hiện đại, vừa xử lý kiểm soát ô nhiễm, vừa tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Toàn bộ nước thải được Công ty thu gom, xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Các loại chất thải sinh hoạt, chất thải thông thường và chất thải nguy hại được thu gom, phân loại tại nguồn và chuyển giao cho nhà thầu đủ chức năng xử lý. Việc cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác mỏ cũng được Công ty đầu tư thực hiện.

Theo đó, Báo cáo đánh giá tác động môi trường và Báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung của Công ty đã được Bộ TNMT phê duyệt lần lượt tại Quyết định số 233/QĐ-BTNMT ngày 28/02/2005 và Quyết định số 370/QĐ-BTNMT ngày 06/3/2008. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phê duyệt các giấy phép, thủ tục khác cho Công ty như: Phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung tại Quyết định số 1536/QĐ-BTNMT ngày 20/6/2019; xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường tại Giấy xác nhận số 157/GXN-BTNMT ngày 10/12/2019; cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 3172/GP-BTNMT ngày 12/12/2019. Bên cạnh đó, Công ty cũng được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép khai thác nước mặt sông Công số 497/GP-UBND ngày 21/02/2019 để khai thác nước sông Công phục vụ sản xuất.

Tại mỏ Núi Pháo, nước thải được xử lý đạt quy chuẩn tại Trạm Xử lý nước thải tập trung, đồng thời tăng cường tái sử dụng nguồn nước. Năm 2020, Công ty Núi Pháo tái sử dụng gần 7,7 triệu m3 nước thải, chiếm 75% tổng lượng nước sử dụng. Chất thải được phân loại tại nguồn thành chất thải sinh hoạt, chất thải thông thường và chất thải nguy hại, sau đó chuyển giao cho nhà thầu có chức năng. Năm 2020, tỷ lệ chất thải tái chế được thu gom, chuyển giao chiếm 37% tổng lượng chất thải phát sinh.

Về đất đá thải, Công ty tận dụng tối đa đất đá thải sạch để thi công đập chứa đuôi quặng và các công trình xây dựng nội mỏ khác. Năm 2020, Công ty tái sử dụng được khoảng 987 nghìn m3 đất đá thải sạch, chiếm gần 20% tổng lượng đất đá thải phát sinh.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Masan High-Tech Materials đã đầu tư lớn cho các dự án phục hồi, cải tạo môi trường mỏ và vùng phụ cận. Những khu vực đã thu hồi đất được Công ty tiến hành gieo hạt cỏ, trồng cây nhằm phục hồi nhanh nhất có thể. Công tác cải tạo, phục hồi môi trường của mỏ Núi Pháo được thực hiện song song với quá trình phát triển mỏ. Tính đến hết năm 2020, Công ty đã cải tạo phục hồi được 63,85 ha các sườn bãi thải, các khu vực bị xáo trộn. Đồng thời, Công ty luôn tìm kiếm các đối tác, tổ chức có uy tín để phối hợp nghiên cứu để tìm ra các hướng đi mới hiệu quả trong công tác cải tạo phục hồi môi trường.

Nhà máy chế biến hiện đại của Masan High-Tech Materials tại mỏ đa kim Núi Pháo, Đại Từ

Với H.C. Starck, Công ty giải quyết được phần lớn các nhu cầu về nguyên liệu thô tại Goslar bằng cách tái chế phế liệu chứa vonfram được mua trên thị trường và nhận được từ khách hàng trong khuôn khổ các chương trình chuyển đổi hoặc tái chế chuyên dụng. Do đó, tỷ lệ tái chế từ nguyên liệu thô thu mua tăng đều và đạt trên 75% trong năm 2020. Đây là một tỷ lệ rất cao và đáng khích lệ, trong khi tỷ lệ tái chế trong ngành công nghiệp Vonfram ước tính ở mức 25-30% và dao động rất lớn ở các vùng khác nhau trên thế giới từ 15 - 50%. Tại tất cả các nhà máy H.C. Starck, các sản phẩm phụ cho sản xuất thường rất giàu nguyên liệu có giá trị (đặc biệt là kim loại) và có thể được tái chế làm nguyên liệu thô bởi chính H.C. Starck hoặc các công ty khác. Do đó, hầu hết các chất thải sản xuất được tái chế, góp phần giảm thiểu chi phí xử lý và bảo vệ môi trường.

Hàng loạt biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Masan High-Tech Materials tin rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của doanh nghiệp vì sự bền vững và cộng đồng. Do vậy, nhiều biện pháp đã được Công ty thực hiện để giảm thiểu những yếu tố ảnh hưởng gây ô nhiễm môi trường:

Cụ thể, Công ty đã đầu tư xây dựng Trạm Xử lý nước thải hiện đại với công suất 1.500m3/giờ sử dụng công nghệ sinh học kết hợp hóa lý để xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường. Xây dựng kho lưu chứa chất thải nguy hại để lưu giữ đúng quy định trước khi chuyển giao cho nhà thầu đủ chức năng để xử lý.

Xây dựng 02 bãi thải phía Bắc và phía Nam của moong khai thác để lưu trữ đất đá thải phát sinh từ quá trình khai thác. Xây dựng 02 hồ chứa đuôi quặng (hồ OTC và hồ STC) để lưu giữ đuôi quặng oxit và đuôi quặng sunfua phát sinh từ quá trình chế biến.

Thiết lập các biện pháp giảm thiểu bụi từ hoạt động khai thác và vận chuyển như: Lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi, sử dụng các lưới chắn bụi, tưới nước thường xuyên các tuyến đường vận chuyển. 

Công ty cũng thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị hoặc lắp đặt thiết bị giảm âm để giảm thiểu tiếng ồn phát sinh.

Các đồi cây năng lượng trồng tại mỏ Núi Pháo, Đại Từ

Công ty thực hiện nghiêm túc công tác quan trắc để kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường như: Năm 2020, Công ty đã thực hiện lấy 8.079 mẫu môi trường, bao gồm: 533 mẫu nước mặt, 676 mẫu nước dưới đất, 6.596 mẫu nước thải, 111 mẫu chất thải rắn, 35 mẫu đất và trầm tích, 26 mẫu môi trường không khí xung quanh, 74 mẫu khí thải và 28 lần đo tiếng ồn trong 24 giờ. Bên cạnh quan trắc truyền thống, Công ty cũng vận hành các quan trắc tự động gồm 04 trạm quan trắc nước thải và 01 trạm quan trắc không khí.

“Mô hình phát triển bền vững của Masan High-Tech Materials xoay quanh mối tương tác hòa hợp giữa con người, môi trường và lợi nhuận. Chúng tôi giữ quan điểm phải sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên, cẩn trọng hoạch định các hoạt động để đem đến lợi ích hiện tại cũng như lợi ích lâu dài cho con người, môi trường và sự thịnh vượng chung. Đây chính là cách chúng tôi đảm bảo phát triển bền vững”, ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials, chia sẻ.

Với những nỗ lực không ngừng, năm 2020, Masan High-Tech Materials tiếp tục vinh dự lọt Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam. Đây là năm thứ ba liên tiếp Masan High-Tech Materials được vinh danh là Doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam. Đạt được thành tích trên bởi Masan High-Tech Materials có hướng đi đúng đắn trên quan điểm “bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để phát triển bền vững”.

CTV
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4931150