Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

PHÚ BÌNH – THỊ XÃ TƯƠNG LAI

2020-06-13 07:14:00.0

 

Đồng chí Hoàng Thanh Giao,

                                       Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình

Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phấn đấu xây dựng huyện Phú Bình cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025. Để điều đó sớm thành hiện thực, huyện Phú Bình đã và đang tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư.

Trong những năm gần đây, huyện Phú Bình được biết đến là địa phương đã phát huy lợi thế, tranh thủ đón đầu làn sóng đầu tư qua đó phát triển, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế. Trước năm 2010, Phú Bình vẫn là huyện thuần nông, trước yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện đã đề nghị và được tỉnh chấp thuận quy hoạch Khu công nghiệp Điềm Thụy với diện tích 350ha, được chia làm 02 khu, khu A (180ha) và khu B (170ha). Khu công nghiệp có lợi thế nằm gần Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên và có tuyến đường 266 Điềm Thụy - Sông Công đi qua.

UBND huyện Phú Bình tổ chức Hội nghị ký kết hợp đồng thực hiện Dự án Khu đô thị số 7 và Khu đô thị Cầu Cỏ, thị trấn Hương Sơn với các nhà đầu tư

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tận dụng và phát huy lợi thế về vị trí địa lý và làn sóng đầu tư, Phú Bình đã tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Đến nay, khu A đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; khu B đã giải phóng mặt bằng được 50ha và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Với những nỗ lực trong công tác thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, khu công nghiệp Điềm Thụy đã thu hút được trên 50 dự án đầu tư là các dự án đầu tư FDI đến từ các quốc gia có nền công nghệ cao như Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài Khu công nghiệp Điềm Thụy, trên địa bàn huyện, còn có Cụm công nghiệp Điềm Thụy (44ha) cũng đang tiến hành giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư; Cụm công nghiệp Kha Sơn với Nhà máy may TNG đã đi vào sản xuất trên diện tích 9ha và đang tiếp tục mở rộng lên 13ha; Nhà máy may TDT Điềm Thuỵ; Nhà máy may Thành Hưng - Bảo Lý; Nhà máy may thời trang Hà Sơn - Kha Sơn đi vào hoạt động… Các dự án công nghiệp đã tạo việc làm cho trên 25.000 lao động và con số lao động sẽ tiếp tục tăng lên khi các doanh nghiệp hoàn thành giai đoạn đầu tư, đi vào sản xuất.

Đặc biệt, một dự án hạ tầng giao thông quan trọng là dự án đường Vành đai 5 Vùng thủ đô Hà Nội, nối Quốc lộ 37, Phú Bình với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đi qua quy hoạch Tổ hợp dự án khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình đang được triển khai xây dựng chắc chắn sẽ mở ra cơ hội lớn để các nhà đầu tư đến với Phú Bình. Trong đó, phải kể đến Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương đã được thành lập với diện tích trên 65ha; dự án khu thể thao phục vụ công cộng Núi Ngọc đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết; các dự án thuộc Tổ hợp Yên Bình đang tiến hành các thủ tục đề xuất đầu tư

Công trình cổng chào huyện Phú Bình mang ý nghĩa biểu tượng, tạo điểm nhấn đô thị về sự đổi mới và phát triển, thể hiện được nét văn hóa, kiến trúc đặc trưng,  góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội củahuyện Phú Bình.

Sự phát triển về hạ tầng đã tác động tích cực lên các ngành kinh tế khác trên địa bàn huyện. Hàng loạt các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở cho công nhân đang được xây dựng. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển về quy mô và đa dạng trên các lĩnh vực. Đến nay, thị trấn Hương Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV; xã Điềm Thụy đã đạt tiêu chí đô thị loại V và đang thực hiện các thủ tục trở thành thị trấn. Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào rộng khắp, Phú Bình là huyện đầu tiên của tỉnh có 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch mạnh mẽ. Hết năm 2020, so với năm 2015, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 37,3% lên 50,7%; khu vực nông - lâm - thủy sản giảm từ 30,8% xuống còn 18,8%.

Để trở thành thị xã, Phú Bình đang tích cực triển khai công tác quy hoạch. Trước hết, là lập quy hoạch vùng huyện; quy hoạch chung thị trấn Hương Sơn; quy hoạch chung đô thị mới Điềm Thuỵ và điều chỉnh quy hoạch chung các xã. Phú Bình là huyện có tiềm năng phát triển toàn diện về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Việc quy hoạch phát triển gắn với đặc điểm tự nhiên được chia thành 3 vùng kinh tế. Vùng 1 gồm các xã: Thượng Đình, Điềm Thụy, Nga My, Hà Châu, Nhã Lộng, Úc Kỳ, Xuân Phương, thị trấn Hương Sơn, Kha Sơn có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ; Vùng 2 gồm các xã: Thanh Ninh, Lương Phú, Dương Thành có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vùng 3 gồm các xã: Bàn Đạt, Đào Xá, Tân Thành, Tân Khánh, Tân Kim, Tân Hòa, Tân Đức, Bảo Lý có điều kiện phát triển kinh tế trang trại, làng nghề và du lịch. Việc xây dựng quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế nhằm phát huy lợi thế của từng vùng là thuận lợi để các nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện các dự án đa dạng trên các lĩnh vực gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Ngoài nhiệm vụ hoàn chỉnh quy hoạch phát triển, việc huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để Phú Bình có thể trở thành thị xã. Trong đó tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị. Sớm hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai V nối Quốc lộ 37 với Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên trong năm 2021; xây dựng tuyến đường nối ĐT261 với đường Vành đai V; xây dựng tuyến đường tránh thị trấn Hương Sơn; đề nghị Tỉnh sớm xây dựng đường Vành đai I cùng cầu vượt sông Cầu nối xã Đào Xá với xã Thượng Đình. Phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên cơ sở lợi thế các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng như: QL37, đường Vành đai V; đường ĐT266, ĐT261…Trong đó, tập trung phát triển KCN Điềm Thuỵ, Tổ hợp Yên Bình, Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương, khu thể thao phục vụ công cộng Núi Ngọc. Đối với hạ tầng đô thị, tập trung thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng các khu chức năng đô thị đã và đang được phê duyệt quy hoạch tại thị trấn Hương Sơn, Điềm Thuỵ và trung tâm các xã.

Để đô thị Phú Bình phát triển, huyện sẽ chủ động trong việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, Tỉnh… đồng thời phát triển kinh tế đô thị, thu hút nguồn lực xã hội để tạo động lực phát triển kết cấu hạ tầng. Do đó, huyện cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, lập các danh mục dự án và cơ chế ưu tiên cụ thể để công khai, mời gọi đầu tư bằng nhiều hình thức. Đồng thời kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành một số cơ chế đặc thù để phát triển đô thị Phú Bình theo quy hoạch được phê duyệt. Cùng với đó, việc thực hiện cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp để thu hút các nhà đầu tư cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ.

Những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 đã và đang đem lại cho huyện Phú Bình một diện mạo mới. Huyện khẳng định sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vì sự phát triển chung của huyện, phấn đấu xây dựng huyện Phú Bình cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025.

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4931268