Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Đồng bào dân tộc huyện Phú Bình Phát triển kinh tế tham gia xây dựng nông thôn mới

2019-07-22 16:59:00.0

Với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội toàn diện, và bền vững, đẩy mạnh việc giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Những năm gần đây huyện Phú Bình đã thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đầu tư  phát triển kinh tế cho vùng dân tộc thiểu số, nhằm hướng đến mục tiêu trở thành huyện Nông thôn mới vào năm 2020.  

Huyện Phú Bình hiện có trên 15 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 9,78%, chủ yếu là dân tộc Nùng, Sán Dìu, Tày, Dao, Sán Chay… tập trung ở 6 xã miền núi, với 35 xóm đặc biệt khó khăn. Xác định rõ vốn là nhu cầu bức thiết của các hộ dân dân tộc thiểu trong quá trình thoát nghèo và làm giàu,  nên những năm qua huyện Phú Bình đã thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ vốn sản xuất cho đồng bào dân tộc theo các Quyết định 755, 2085, QĐ 54 của Thủ tướng Chính phủ.

Những ngày này gia đình chị Nông Thị Thơm và anh Phạm Ngọc Long, dân tộc Nùng ở xóm Đồng Bốn xã Tân Thành đang hoàn thiện các công đoạn cuối cùng cho ngôi nhà mới- ngôi nhà mà trước đây anh chị chưa bao giờ dám mơ ước đến. Sau 3 năm tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp gia đình anh chị thoát nghèo. Với số vốn được vay, anh chị đầu tư cho chăn nuôi gà thả đồi, lợn và trồng rừng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, áp dụng khoa học kỹ thuật nên đồng vốn phát huy hiệu quả rất tốt, chị Thơm chia sẻ: Từ năm 2015 gia đình tôi có sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước, với số vốn tăng dần lên đến 50 triệu đồng. Nhờ có vốn, gia đình đã mở rộng quy mô chăn nuôi và đầu tư thâm canh trồng rừng. Thời điểm năm 2017, gia đình tôi nuôi đến 1000 gà/ lứa, với 3 lứa mỗi năm, thay vì chỉ nuôi 200 con/ lứa như trước khi được vay vốn. Ở thời điểm đó mỗi 1000 gà, chúng tôi cũng thu lãi trên 50 triệu đồng. Trong quá trình sử dụng nguồn vốn đó, gia đình chúng tôi cũng đã được tổ vay vốn tư vấn để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ đó đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo.

Ngôi nhà mới gia đình chị Nông Thị Thơm được xây dựng trị giá 700 triệu đồng.

Ở các xã miền núi, xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình kinh tế vườn đồi, kết hợp với chăn nuôi, hoặc các mô hình khép kín trong trồng rừng và chế biến gỗ…. Từ nguồn vốn hỗ trợ, cộng với các kiến thức khoa học kỹ thuật được trang bị và tự hỏi học, đồng bào các dân tộc thiểu số đang từng bước thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác, tạo việc làm và thu nhập ngay tại địa phương. Gia đình ông Vi Tự Vinh xóm Trụ Sở xã Tân Hòa đã chuyển đổi gần 1ha rừng của gia đình để trồng cây nhãn và bưởi Diễn. Bước đầu ông thấy việc chuyển đổi này đã thành công bước đầu. Ông Vinh cho biết: Hiện tại, trong vườn của gia đình trồng 120 cây nhãn, 150 cây bưởi Diễn, tất cả đều đã cho thu hoạch. năm 2018, gia đình ông đã thu hoạch được gần 1 tấn nhãn, hàng trăm quả bưởi Diễn. Toàn bộ sản phẩm đều được thương lái đến tận vườn thu mua. Dưới tán cây, ông còn nuôi thêm gà, với 1.500 con/ năm. Nhờ mô hình này, kinh tế của gia đình ngày càng phát triển.

Chăn nuôi gà kết hợp với trồng rừng là mô hình được nhiều hộ dân ở các xã miền núi của Phú Bình thực hiện có hiệu quả

Nhờ các nguồn lực đầu tư mà đời sống của người dân tộc tại các xã miền núi được cải thiện rõ ràng, ông Nguyễn Đắc Khiêm, PCT UBND xã Tân Kim chia sẻ: Những năm gầy Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về điện, đường, trường, trạm. Đối với đường, ở 6 xóm đặc biệt khó khăn giai đoạn 1 đã được đầu tư từ 500-700 m đường bê tông; từng bước nâng cấp các trạm biến áp  ở các xóm Đèo Khê, Bờ La, Quyết Tiến…Đặc biệt, Tâm Kim hiện là xã có dư nợ nhiều nhất tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện với số vốn lên đến trên 45 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã thúc đẩy phát triển kinh tế, chủ yếu là chăn nuôi gà thả đồi, nuôi trâu và trồng rừng. Nhờ đó mà năm 2019, tỷ lệ giảm nghèo của Tân Kim đạt 4,36%, toàn xã hiện còn 13,83%, giảm 8,88% so với 2016.

Trong giai đoạn 2014-2019, tổng nguồn vốn đầu tư cho 6 xã 135 của huyện Phú Bình là trên 44,5 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư về cơ sở hạ tầng là trên 33,6 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất là 8,7 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng là 1,6 tỷ đồng; nhân rộng mô hình giảm nghèo là gần 400 triệu đồng…Từ các nguồn hỗ trợ trên đã góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương. Nếu như năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 12,87% năm, thì đến năm 2018 giảm xuống còn 6,73% , tỷ lệ giảm  nghèo bình quân của toàn huyện là 2%. Hiện số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số là 450 hộ, chiếm 17,3%, giảm 35,2% so với năm 2014.

Khi đời sống dần được cải thiện, đồng bào các dân tộc thiểu số của huyện lại tích cực tham gia vào các phong trào xây dựng quê hương, trong đó phải kể đến phong trào xây dựng nông thôn mới. Bởi người dân hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới chính là cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong phong trào này người dân chính là “chủ thể” để hiện thực hóa các mục tiêu của chương trình. Hiện nay, Phú Bình có 14/19 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân mỗi xã là 17,63. Trong 6 xã miền núi có 2 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới là Tân Khánh và Tân Đức, xã Tân Đức được tỉnh lựa chọn là xã nông thôn mới kiểu mẫu.  Thực hiện chương trình này trong giai đoạn từ 2016-2018 tổng nguồn vốn huy động cho chương trình này là trên 3.127 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ cộng đồng dân cư là trên 264 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã được đầu tư để làm mới, nâng cấp 407 công trình, với chiều dài 275km, kiên cố hóa 25km kênh mương, lắp đặt 29 Trạm biến áp và nâng cấp 500km đường dây hạ thế, xây  dựng 98 phòng học.

Những tuyến đường bê tông phẳng rộng được nối dài, những khu nhà văn hóa khang trang rộng rãi  như thế này mọc lên ngày một nhiều. Các công trình này được người dân gọi là công trình của “ ý Đảng, lòng dân”. Bởi cùng với nguồn lực của Nhà nước đầu tư nhân dân còn hiến đất, đóng góp công sức, tiền của để thi công công trình. Khi thực hiện các công trình cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, để tạo sự thống nhất và đồng thuận trong nhân dân. Vì thế, mà tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có nhiều hộ gia đình tham gia hiến đất để kiên cố cơ sở hạ tầng như: gia đình ông Cam Văn Khoa, dân tộc Nùng xóm Giếng Mật xã tân Hòa, bà Lý Thị Đồng dân tộc Nùng xóm Vo xã Tân Thành…Đặc biệt, tại xã Bàn Đạt, địa phương có đến 50% là người dân tộc, song để góp sức cùng với địa phương hoàn thiện 19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020, đầu năm 2019 nhân dân các xóm của xã Bàn Đạt đã đối ứng tiền làm đường được 2 tỷ đồng gửi vào ngân hàng để chờ đón nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước.

Xóm Tân Ngọc xã Tân Đức đang phấn đấu hoàn thiện 9/9 tiêu chí của xóm Nông thôn mới kiểu mẫu

Nhiều địa phương của Phú Bình đã giải phóng mặt bằng để sẵn sàng làm đường ngay khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng.

Những chính sách đầu tư phát triển kinh tế cho vùng dân tộc thiểu số tại huyện Phú Bình đang  phát huy hiệu quả rõ rệt. Điều này đã rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, tạo đà cho huyện hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020, sau khi 2 xã miền núi là Tân Thành và Bàn Đạt hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Ông Hoàn Thanh Giao, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới, trong thời gian tới, chúng tôi xác định sẽ tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thủy lợ tại các xã miền núii. Thu hút các nguồn vốn đầu tư để phát triển thương hiệu “ Gà đồi Phú Bình” tại các xã miền núi, theo hướng gắn kết snr xuất với thị trường tiêu thụ. Đồng thời,  thu hút đầu tư vào chế biến lâm sản để đẩy mạnh nghề trồng rừng tại các địa phương./.

 

Nguyễn Chi

( Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thông Phú Bình)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 4931317